Hải trình lợi nhuận của Superdong

Với hải trình bao gồm Phú Quốc - Phú Quý - Côn Đảo, Superdong đang tự kiểm tra năng lực “vượt sóng” của mình.


Với trên 3.260km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển và hơn 3.000 đảo ven bờ và thuộc lãnh hải Việt Nam, tiềm năng du lịch và vận tải hành khách bằng đường thủy là rất lớn. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 ngành du lịch đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 620.000 tỉ đồng, xấp xỉ 7-8% GDP. Là doanh nghiệp vận tải đường biển đầu tiên niêm yết, Công ty Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (Superdong, mã SKG) có cơ hội tăng trưởng rất lớn, bên cạnh là nhiều thử thách cần giải quyết.

Thành lập từ năm 2007, Công ty Cổ phần Cao tốc Superdong hiện là một trong những doanh nghiệp vận tải du lịch đường biển lớn nhất ở Việt Nam. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trên sàn hoạt động trong ngành vận tải hành khách bằng đường thủy. Về mặt năng lực vận chuyển, Superdong hiện sở hữu đội tàu 15 chiếc, chủ yếu là loại tàu mới một thân với vỏ hợp kim nhôm, với số ghế dao động từ 275-306 khách/tàu. Tỉ lệ lấp đầy chuyến của doanh nghiệp dao động từ 80-85%.




Với năng lực đội tàu đông đảo, giá vé hợp lý và luôn tăng cường mở rộng các tuyến mới, bức tranh kinh doanh của Superdong được xem là sáng sủa. “SKG sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng doanh thu ổn định trong những năm tới”, phân tích của Công ty EVS nhận định. Tính bình quân, mức tăng trưởng doanh thu hằng năm của Superdong đạt 15%.

Năm 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp là 442,4 tỉ đồng, lợi nhuận ròng thu về 129,26 tỉ đồng. Kết nối các tuyến hải trình mới và tăng cường khai thác các tuyến hiện tại được xem là chiến lược của “đại gia” ngành vận chuyển hàng hải. Tiềm năng tăng trưởng của tuyến mới Sóc Trăng (Trần Đề) - Côn Đảo và các tuyến hải trình hiện tại đến Phú Quốc là rất lớn.

Năm 2018, ước tính lượt khách đến Côn Đảo tăng 30,8% (năm 2017 là 25,4%). Theo Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, mức tăng trưởng ấn tượng trên là nhờ SKG triển khai 2 tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng - Côn Đảo từ tháng 6.2017 và đầu năm 2018. Năm 2017, doanh thu tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo là 12,8 tỉ đồng. Tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo được đánh giá là thu hút người sử dụng dịch vụ khi chi phí khá thấp, chỉ bằng 1/7 so với máy bay và thời gian đi lại tương đương.

Về Phú Quốc, năm 2020, đảo ngọc dự kiến đón 3,5 triệu lượt khách du lịch. Theo thống kê, khoảng 2/3 lượt khách đến Phú Quốc bằng đường thủy, còn lại đi bằng máy bay. Thị phần của Superdong trong các tuyến đi Phú Quốc là 80%. “Casino Phú Quốc đi vào hoạt động năm 2018 đã thu hút lượng khách từ khu vực miền Tây và Campuchia”, phân tích của Công ty EVS nhận định.

Về hải trình đến đảo Phú Quý, đây là tuyến mới vừa thành lập bởi Superdong từ tháng 6.2018, với số tàu cơ hữu hiện là một tàu cao tốc. Đây là hòn đảo được đánh giá rất cao bởi du khách quốc tế, từng được kênh Travel CNN đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Biển Đông, đặc sản trên đảo gồm có cua Huỳnh Đế, cá Mú Đỏ...




Về mặt sinh thái, Phú Quốc - Côn Đảo - Phú Quý đều là những huyện đảo có tiềm năng khai thác rất lớn. Theo ước tính của Công ty EVS, lượt khách đến Kiên Giang năm 2018 có thể đạt 7 triệu người, trong đó lượng khách ghé thăm Phú Quốc là 3,5 triệu người. Không xa hoa như Phú Quốc, Phú Quý lại thu hút du khách tìm sự phiêu lưu và hòa mình trong tĩnh lặng với thiên nhiên hoang sơ. Năm 2010 Phú Quý đón tiếp 1.000 khách, thì năm 2018 con số này là 14.000 khách.

Thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo là hòn đảo xinh đẹp, nơi được ví như báu vật thiên nhiên quốc gia bởi hội tụ đủ các yếu tố rừng, biển, với hệ sinh vật phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là Ramsar thứ 6 trên thế giới. 5 năm trở lại đây, doanh thu ngành du lịch Côn Đảo tăng 35%/năm kéo theo dịch vụ thương mại tăng 14%/năm. Năm 2018, huyện Côn Đảo đón 286.171 lượt khách, tăng 17,31% so với năm 2017.




Về mặt vĩ mô, tiềm năng du lịch của Việt Nam được đánh giá là rất lớn, với tốc độ phát triển thuộc diện nhanh nhất khu vực. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.

Theo đó, với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, du lịch biển đảo đang trở thành trọng điểm thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.

Tiềm năng phát triển của ngành vận tải du lịch biển nói chung và doanh nghiệp như Superdong là rõ ràng. Song, thách thức mà các doanh nghiệp cần tự khảo nghiệm cũng không ít. Trong đó, chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn của đội tàu vận hành là điều kiện sống còn quyết định sự thành công. Tàu được yêu cầu phải cấu tạo từ hợp kim cao cấp, được trang bị hệ thống liên lạc và cứu sinh hiện đại. Những công cụ như phao bè, áo phao cá nhân, pháo sáng, còi khuếch âm..., là những tiêu chuẩn không thể thiếu.

Bên cạnh yếu tố an toàn, yếu tố vĩ mô cũng tác động không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp, cụ thể là giá dầu. Trong năm 2017, chi phí nhiên liệu là dầu diesel chiếm hơn 40% trong cơ cấu tổng chi phí của SKG. Giá dầu biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biên lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận sau thuế của SKG.

Nhận định của công ty chứng khoán mà NCĐT trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét